Monday, April 30, 2012

Trò chuyện với đàn ông Bangladesh


TTCT - Bốn năm ở Bangladesh, quốc gia Nam Á có diện tích 144.000kmvà dân số lên đến 147 triệu người, tôi đã có khoảng thời gian đủ dài để nhận ra những khác biệt về quan điểm sống của đàn ông xứ này


Trẻ em và phụ nữ xếp hàng trên đường phố để lấy nước. Thành phố Dhaka luôn lâm vào tình trạng khủng hoảng nước sạch - Ảnh: N.P.Q.M.
Tại thành phố Dhaka, một trong những hình ảnh thu hút tôi chính là cảnh những người đàn ông còng lưng đạp xe lôi. Đó là những chiếc xe lôi ba bánh chở khách vốn thịnh hành ở Bạc Liêu cuối những năm 1980, thời tôi còn bé. Bây giờ về quê, tôi chẳng thấy những chiếc xe lôi đó đâu nữa. Vậy mà hôm ấy, những người đàn ông Bangladesh như đang kéo tuổi thơ của tôi trở về sau lưng họ.
Họ bấm chuông inh ỏi, vừa đạp vừa túm... váy để khỏi bị gió thổi tung. Váy dài (lungi) là trang phục ưa thích trên đường phố của đàn ông ở đây có lẽ nhờ mặc nó mát mẻ (khí hậu Bangladesh vốn dĩ rất nóng bức vào mùa hè).
Phụ nữ nên hạn chế ra đường
Lần đầu tiên ra chợ mua thực phẩm tôi rất ngạc nhiên: hầu như toàn bộ người bán hàng là đàn ông. Họ cũng nói thách, cũng mặc cả tài tình như phụ nữ Việt, thậm chí còn hơn. Là đất nước Hồi giáo, đàn ông Bangladesh không thích vợ mình giao tiếp với những người đàn ông khác. Vì thế họ xem những công việc ngoài chốn công cộng là của đàn ông. Cũng vì thế, rất nhiều đàn ông ở đây xách túi đi chợ.
Anh Lutfo, người lái xe của cơ quan chồng tôi, kể rằng vợ anh cũng mặc burqa (bộ đồ đen trùm kín người chỉ hở đôi mắt) như nhiều phụ nữ khác ở Bangladesh. Và tất nhiên nếu ra đường anh sẽ không nhận ra vợ. “Một lần, tôi đến và đứng mua hàng cạnh vợ mà không biết, chỉ đến khi vợ tôi cất tiếng trả giá. Cô ấy ít ra ngoài, nhưng hôm đó thiếu một thứ cần thiết nên mới đi. May mà nhờ giọng nói tôi mới nhận ra đó là vợ mình” - anh cười vui khi kể câu chuyện này.
Người nấu bếp của gia đình tôi, anh Shudan, cho biết sẽ không bao giờ để vợ đi làm. “Một người đàn ông Bangladesh tốt phải kiếm đủ lương để vợ không phải đi làm. Phụ nữ nên hạn chế ra đường” - anh nói. “Nhưng nếu phụ nữ thích đi làm thì sao, phụ nữ cũng có quyền đi làm chứ?” - tôi buột miệng hỏi. “Ở đất nước bà thì khác. Ở đất nước tôi, một phụ nữ tốt nên ở nhà chăm sóc chồng con” - anh quả quyết.
Có lẽ cũng vì lập luận như anh Shudan mà tỉ lệ đàn ông ở các cơ quan nhà nước của Bangladesh chiếm đa số. Tình trạng bất bình đẳng giới là vấn đề hết sức nổi cộm. Không có cơ hội đi làm, nhiều phụ nữ phải sống lệ thuộc vào chồng, thậm chí cô dâu khi lấy chồng còn phải trả dowry (của hồi môn) cho chồng, bao gồm một số tiền lớn, trang sức, đồ đạc vật dụng.
Trong thời gian ở Bangladesh, tôi làm việc tại Trường quốc tế Mỹ Dhaka (American International School of Dhaka - AISD) và đã hướng dẫn một học sinh làm nghiên cứu về tình trạng tạt axit ở Bangladesh. Chúng tôi bàng hoàng trước những số phận hết sức thương tâm. Có những người vợ trẻ đẹp bị chồng hoặc gia đình chồng tạt axit vì không đủ tiền trả nợ của hồi môn. Cũng có những phụ nữ chỉ vì muốn có một cuộc sống tự do hơn, tự chủ hơn về mặt kinh tế và công việc đã bị chồng tạt axit.
Dù vậy, có một thực tế đối nghịch: lãnh đạo cao nhất của đất nước này trong nhiều năm qua là phụ nữ. Bà Khaleda Zia từng là nữ thủ tướng đầu tiên của Bangladesh, từ năm 1991-1996. Và hiện tại, thủ tướng của Bangladesh cũng là một phụ nữ: bà Sheikh Hasina. Nhưng có một khác biệt lớn giữa hai vị thủ tướng này và dân thường: chồng và cha của hai bà từng là nguyên thủ của Bangladesh. Tuy nhiên, bất cứ thủ tướng nào của Bangladesh cũng phải gánh trên vai những sứ mệnh nặng nề trong việc phát triển đất nước.
Một trong những khó khăn lớn nhất chính là trình độ học vấn của người dân rất thấp. Theo nghiên cứu năm 2004 của Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), chỉ có 50% đàn ông Bangladesh biết chữ, và tỉ lệ phụ nữ biết chữ là 31%. Hiện nay, tỉ lệ này vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Ánh mắt của những phụ nữ và con họ ở khu ổ chuột thành phố Dhaka, nơi được triển khai phổ cập một chương trình giáo dục - Ảnh: N.P.Q.M.

Không thể thay đổi giai cấp của mình
“Anh muốn con anh làm gì sau này? Ở Bangladesh, làm kỹ sư hay bác sĩ tốt hơn?” - tôi hỏi Lutfo sau khi anh cho biết có hai con trai đang học tiểu học. Anh lập tức trả lời: “Madam (bà chủ) ơi, nhìn tôi này. Tôi cam phận người lái xe. Con tôi làm lái xe là giỏi lắm rồi. Làm gì có thể mơ trở thành kỹ sư hay bác sĩ!”.
Tôi giật mình nhìn anh, và chợt nhớ Bangladesh có định nghĩa về tầng lớp sang hèn rất rõ rệt. Nhiều người dân không nỗ lực, không cố gắng vươn lên mà cam chịu vì tin rằng mình thuộc về giai cấp nghèo khổ và vĩnh viễn không thay đổi được số phận.
Hơn bốn năm ở Bangladesh, tôi chẳng thể quen và chấp nhận được tư tưởng an phận này. Tôi đã quen với những người dân lam lũ quê tôi, chân lội bùn lầy nhưng vẫn nuôi ước mơ về những chân trời rộng lớn. Và nhiều người đến được những chân trời ấy vì họ biết ước mơ.
Cũng vì tư tưởng cam chịu số phận mà Bangladesh tiếp tục là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tôi đã đi qua trên 20 quốc gia, đến rất nhiều vùng nghèo khó, nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng nghèo đói cắt vào lòng tê buốt như ở Bangladesh. Trên đường phố có rất nhiều người ăn xin.
Mỗi năm vào mùa mưa, rất nhiều làng mạc bị nhấn chìm trong biển nước. Vỉa hè thành phố Dhaka trở thành nơi trú ngụ tạm bợ của những người nông dân lam lũ vừa bị mất nhà cửa. Họ dựng tạm một tấm bạt trên lề đường, tìm tạm một công việc sống qua ngày, chờ nước rút để trở về. Đi qua những tấm bạt mỏng manh che chở những phận người đói khổ đó, tôi lại thấy những đứa bé ngước cặp mắt ngây thơ nhìn tôi như một câu hỏi lớn về sự đổi thay của số phận.
Ở Bangladesh, tôi để ý thấy đàn ông xứ này xưng hô không theo tuổi mà theo địa vị. Ví dụ, vì tôi là một phụ nữ nước ngoài nên bao giờ họ cũng gọi tôi là Madam, chứ không bao giờ gọi bằng cô, chị hay em. Thậm chí, anh lái xe của tôi còn nhất định không gọi con trai 3 tuổi của tôi bằng tên riêng mà chỉ gọi bằng “Sir” để tỏ lòng kính trọng. Tôi nói thế nào anh ta cũng không chịu nghe.
Nhiều người đàn ông giàu có cảm thấy cần phải thể hiện quyền lực và địa vị của mình. Một lần, tôi nhớ mãi ông hàng xóm giàu có của tôi ở vùng Barridhara, thành phố Dhaka, mua một con lạc đà rất to để mổ thịt bố thí cho người nghèo.
Để thể hiện quyền lực và sự giàu có của mình, thay vì giết heo hoặc cừu như những người khác, ông hàng xóm này đã nhập từ Ai Cập một chú lạc đà cao lênh khênh, xẻ thịt chia cho những người nghèo đang xếp một hàng dài mấy trăm mét trước cửa nhà ông. Chỉ tội nghiệp hai đứa con tôi, lần đầu tiên hí hửng trông thấy lạc đà, ngày hôm sau đi qua chỉ còn thấy vũng máu.
Nhưng đôi khi địa vị được thể hiện một cách thái quá và ảnh hưởng đến quyền con người. Cũng chính người đàn ông giàu có nói trên lại để cậu bé giúp việc mới 12 tuổi ngủ hằng đêm ngoài bancông nhà, trong tiết trời mùa hè nóng hầm hập và mùa đông lạnh căm.
Có lẽ số phận nghèo đói của Bangladesh chỉ có thể biến chuyển nếu đối xử bình đẳng với phụ nữ, bình đẳng với những số phận kém may mắn. Và chính những người đàn ông nghèo thuộc tầng lớp lao động cần phải tự tin vào khả năng thay đổi số phận mới có thể thật sự làm chủ được tương lai của mình, của con cái và cả của đất nước Bangladesh.
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI



No comments:

Post a Comment