Monday, April 30, 2012

Bangladesh …"Vì họ đã biết ước mơ”


 “Sống ở Bangladesh hơn 4 năm, tôi chẳng thể quen được với tư tưởng "an phận"….Tôi đã quen với những người dân lam lũ quê tôi, chân lội bùn lầy nhưng  vẫn nuôi mơ ước về những chân trời rộng lớn. Và nhiều người đã đến được những chân trời ấy…”

Sau khi đã đến thăm đất nước Bhutan, một trong những quốc gia trong lành, bình yên và xinh đẹp bậc nhất trên thế giới, chúng tôi muốn giới thiệu đến độc giả một đất nước khác quen thuộc hơn với Việt Nam.
Đó là Bangladesh  - với  những người lao động chân tay bậc thấp, với nhiều người phụ nữ bị chồng tạt axit vì ghen tuông, với tỉ lệ chỉ 50% đàn ông và 31% phụ nữ biết chữ (thống kê năm 2004 và tỉ lệ này đến nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể).  Việt Nam ít nhất đã vượt được qua giai đoạn này.
 Vẻ đẹp của truyền thống, của ẩm thực ngàn xưa, của lễ nhịn ăn Ramadan nổi tiếng hay tấm lòng hồn hậu của những người nghèo… vẫn không xóa nổi cơn nhức nhối trước tình trạng thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường sống, điều kiện y tế kém cỏi và trình độ dân trí thấp hơn nhiều so với thế giới xung quanh.
***
Người giàu, người nghèo ở Bangladesh

Tưởng rằng đã tìm hiểu về Bangladesh một cách kĩ càng, hóa ra tôi là kẻ ngờ nghệch khi đặt chân đến quốc gia vùng Nam Á, diện tích vẻn vẹn 144.000 km2, nhưng dân số lên đến 147 triệu người này.
Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là những đám đông tập trung sát cửa ra vào sân bay mang tên Zia, lăm le xách hộ vali của hành khách để nhận tiền thù lao. Sau này tôi mới biết nhều người Bangla khá giả chẳng cần "đụng móng tay" vào những công việc tay chân. Một gia đình giàu có thường có đến 5-10 người phục vụ: hai người bảo vệ, một người nấu ăn, một người lau dọn, một người làm vườn, một người trông trẻ và một cậu bé để sai vặt.
Vầ sau này nữa tôi mới biết chuyện một hàng xóm người Bangla "giàu nứt đố đổ vách" của tôi cho cậu giúp việc mới 12 tuổi ngủ hàng đêm ngoài ban công nhà, trong tiết trời mùa đông lạnh căm căm!

...
"Anh muốn con anh làm gì sau này? Ở Bangladesh, làm kỹ sư hay bác sĩ tốt hơn?". Tôi hỏi sau khi Lutfur - người lái xe của chồng tôi - cho tôi biết anh có hai đứa con trai đang học tiểu học.
Khác với những câu hỏi trước, anh giảm tốc độ, quay người nhìn tôi. "Madam (bà chủ) ơi, nhìn tôi đâ này. Tôi cam phận người lái xe. Con tôi làm lái xe là giỏi lắm rồi. Làm gì có thể mơ trở thành kỹ sư hay bác sĩ".
Tôi giật mình nhìn anh, và chợt nhớ rằng đây là một đất nước có định nghĩa về tầng lớp sang hèn rất rõ rệt, kiểu như "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa". Nhiều người Bangladesh không nỗ lực, không cố gắng vươn lên mà cam chịu, vì tin rằng mình thuộc về giai cấp nghèo khổ và vĩnh viễn không thay đổi được số phận của họ.
Sau này tôi có một người lái xe riêng (để tiện việc đưa đón hai con đi học trong khi vợ chồng tôi làm việc), và ngỏ ý giúp anh có thêm thu nhập bằng việc để anh lái xe cho một gia đình nữa lúc không có việc bận cùng gia đình tôi. "Lái xe cho một gia đình làm đủ rồi, madam ạ", anh nói, làm tôi chưng hửng. "Thế anh không muốn có thêm thu nhập để lo cho con ăn học?". "Thánh Allah sẽ lo cho con tôi, vì thánh Allad đã sinh ra con tôi", anh trả lời chắc nịch, không nao núng.
Sống ở Bangladesh hơn 4 năm, tôi chẳng thể quen được với tư tưởng "an phận" này. Tôi đã quen với những người dân lam lũ quê tôi, chân lội bùn lầy nhưng  vẫn nuôi mơ ước về những chân trời rộng lớn. Và nhiều người đã đến được những chân trời ấy vì họ đã biết ước mơ.
...
Xe lôi thập niên 80
Trở lại cái ngày đầu tiên tôi đến Bangladesh, trên chuyến xe cùng Lutfir. Xe chúng tôi rời đám đông đang đeo bám khách ở sân bay, nhưng lại tiến vào những đám đông khác. Xung quanh tôi đặc kín người.
Đây quả thật là một trong những nước đông dân nhất thế giới, và cũng nghèo nhất thế giới. Đa số người trên đường đi bộ, xe đạp hoặc xe xích lô đạp. Thi thoảng mới có một vài chiếc xe ô tô đẩy dạt dòng người sang hai bên. Hầu hết là những chiếc xe cũ kỹ, tồi tàn nhưng thỉnh thoảng cũng có những chiếc xe bóng lộn của các bậc đại gia. Trái ngược với khung cảnh có phần lộn xộn và xộc xệch chung quanh, họ ngồi trên ô tô, đeo kính đen, trông "ngầu" chẳng khác những tài tử trong các bộ phim Ấn Độ.
Sát cạnh những chiếc xe bóng lộn ấy là những người đàn ông Bangladesh còng lưng đạp xe lôi. Đó là những chiếc xe giống như xe lôi 3 bánh chở khách vốn thịnh hành ở Bạc Liêu cuối những năm 80, thời tôi còn bé. Bây giờ về quê, tôi chẳng thấy những chiếc xe lôi đó đâu nữa. Vậy mà, hôm nay, trước mắt tôi, những người đàn ông Bangla như đang kéo tuổi thơ của tôi trở về sau lưng họ. Họ hùng hục kéo, bấm chuông inh ỏi, vừa đạp xe vừa túm... váy (lungi) để nó khỏi bị gió thổi tung.

Chợ ở Bangladesh

Thấy xe đi gần đến một khu chợ, tôi đè nghị Lutfur ghé vào để tôi mua một ít trái cây. Thật lạ, đối lập với Việt Nam, toàn bộ những người bán hàng ở chợ đều là... đàn ông. Họ cũng nói thách, cũng mặc cả tài tình như phụ nữ Việt, hoặc thậm chí còn hơn cả phụ nữ Việt.
Là một đất nước Hồi giáo, phụ nữ Bangla phải tránh sự giao tiếp với những người đàn ông khác, vì thế công việc bán hàng là của đàn ông và rất nhiều đàn ông xách túi đi chợ.

Phụ nữ Bangladesh
Trong chợ bán rất nhiều hoa quả, thật giống chợ Việt Nam. Sau này, khi đã là "ma xó" ở Bangladesh, tôi mới biết được rằng các món sơn hào hải vị của người Việt như cua biển, rùa, baba... cực rẻ ở đây.
Người Bangladesh không ăn những thứ này nến đã bán như cho. Chẳng bù cho tôi, dù không thích ăn rùa và baba vì nghĩ đây là động vật quý hiếm cần được bảo vệ, nhưng một số người bạn Việt tôi quen sau này ở Bangladesh luôn mua đặc sản rùa và baba đãi khách vì ngon và giá rẻ.
Ngày hôm đó, chị Rebecca, đầu bếp của chúng tôi, đã giới thiệu những món ăn Bangali mà tôi còn ứa nước miếng mỗi khi nhớ lại: cà ri cá thơm ngọt tươi rói, bánh mì nan mới nướng vừa nóng ròn vừa mềm mại, cà ri rau cay nồng sống mũi và đậu vàng hầm nhừ (dal) béo ngậy.

 Quang cảnh một góc chợ
Hương vị các món ăn Bangla có điểm tương đồng với ẩm thực Ấn Độ, nhưng có một số điểm khác biệt vì gia vị và cách chế biến khác nhau.
Nguồn:
Vân Sam (chọn)
Chuyên mục “Đọc chậm cuối tuần” kì này xin giới thiệu trích đọan tác phẩm du ký  “từ tuyết đến mặt trời” (2011) với sự đồng ý của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai.

3 comments:

  1. E chuan bi den bangladesh cong tac, k biet tac gia co the cho e email de lien lac k a? E muon hoi 1 chut de co the cbi ki truoc khi di a. E cam on

    ReplyDelete
  2. Mình đang muốn tìm hiểu về Bangladesh để xem xét có thể đầu tư ở đất nước của họ không? Bạn có thể cho mình cách thức liên lạc được ko? Cảm ơn bạn nhiều!!!

    ReplyDelete
  3. Mình cũng sắp đi Bangladesh. Anh em nào biết hội người VN ở đó k nhỉ?

    ReplyDelete