Monday, April 30, 2012

Tiếng rao đêm


Ba Thợ Tiện
      Hồi mới vào Sài Gòn, có một lần tôi đến nhà người bạn ở khu phố phía sau Trường Đại học Vạn Hạnh, trên đường Trương Minh Giảng để cùng đi nghe ca nhạc theo lời mời của anh ấy. Lúc về, thấy đã hơn 11 giờ nhưng ông ngoại của anh bạn vẫn còn ngả người trên lưng ghế, tôi hỏi : “Thưa cụ, trời nóng quá, chắc rất khó ngủ?”. Ông cụ người miền Nam cười hiền khô : “Đâu có, ông đang chờ người quen”.
 
  Tôi theo anh bạn lên lầu. Hai đứa lại bàn về chuyện học, về nội dung những ca khúc vừa mới được nghe và, về... chiến tranh. Hồi ấy cứ mỗi lần có dịp ngồi lại với nhau, một trong những đề tài mà chúng tôi gần như không thể bỏ qua là lên án chiến tranh. Trò chuyện một lúc lâu, bỗng chợt nhớ đến ông ngoại, tôi hỏi, anh bạn cười ra vẻ thích thú, nói : “Chỗ này chắc anh sẽ ngạc nhiên. Người quen của ngoại là ông già bán bánh giò đấy”. Tôi vặn : “Sao ông ấy lại đến vào giờ này ?”. Anh bạn lại cười đắc ý : “Không phải ông ấy, mà là lời rao của ổng. Ngoại đã quen đến độ ghiền. Đêm nào cũng vậy, chưa nghe lời rao là ngoại chưa ngủ được. Chỉ cần nghe “giai điệu” của lời rao cụ thể mỗi đêm là ngoại có thể đoán biết ông già bán có khá hay không. Đã mấy lần ngoại mở cửa chờ ông ấy quay trở lại để mua một lúc đến 4, 5 cái vì đã “nghe”... tiếng than ế hàng”. Anh bạn kết luận: “Với ngoại, lời rao đã là một nét văn hóa không thể thiếu của thành phố”.
      Mới đó mà đã hơn 40 năm. Mọi chuyện đều đã thay đổi. Những giai điệu lời rao đã đi vào ký ức của không biết bao nhiêu người, nay hầu như thay bằng những tiếng rao được khuếch đại bởi công nghệ điện tử nghe bỏng tai. Thế mới biết có những lời rao mang cả hồn phố, đi đâu cũng nhớ, bởi ngoài giai điệu, còn có ngữ điệu, thể hiện tâm trạng của mỗi người rao ở mỗi lúc, tại mỗi miền, thậm chí tại mỗi khu phố khác nhau. Cũng với “Ai ăn hột vịt lộn không...”, nhưng chắc chắn bạn sẽ bị thuyết phục bởi lời rao lảnh lót của bà cụ người Huế (nếu được nghe ngay giữa phố Huế thì càng “phê”). Cũng với “Lục tàu xá, chí mà phù... đây”,  nhưng giai điệu của lời rao ở Hội An không giống ở Chợ Lớn. Và, cũng là “Bánh chưng, bánh giò... ơ”, nhưng cách rao ở quận 5 không  giống ở quận Bình Thạnh (TPHCM).
      Cũng như “gánh hàng rong” đúng nghĩa, sẽ tiếc biết chừng nào nếu “lời rao” mộc mà lảnh lót, một góc mang hồn phố vào khuya lại không còn.
 (Nguồn: Tạp chí Người đô thị)

No comments:

Post a Comment