Tuesday, May 1, 2012

Nghệ sĩ dân gian Chăm Hán Phải



Thuở trai tráng, ông từng là thành viên đoàn văn nghệ Chăm vào tận Sài Gòn hát trên các sân khấu danh giá; làm Mưwdơn rồi lên chức Mưwdơn gru, ông điều hành và hát phục vụ cả ngàn cuộc lễ Rija trong cộng đồng Chăm; sau khi đất nước thống nhất, ông đi biểu diễn và truyền nghề cho không ít nghệ sĩ Chăm hôm nay, và cuối cùng: làm tư liệu sống để nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thường xuyên tìm gặp. Với tôi, ngoài việc cung cấp vô vị lợi nguồn tài liệu quý giá để tôi hoàn thành bộ Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển (1995), ông còn là một nghệ sĩ lớn. Ông là Mưwdơn gru Hán Phải, năm nay tuổi đã ngoài tám mươi


Người dong dỏng cao, khuôn mặt gầy gầy, đôi mắt buồn, dáng đi thẳng, giọng trầm và ấm. Đó là những gì tôi nhớ về ông, ông Mưwdơn gru Hán Phải.


Chuyện cách nay non nửa thế kỉ rồi…
Mưwdơn gru là chức sắc cao nhất trong hàng giáo sĩ phái Giữa, giáo phái làm gạch nối giữa Cam Ahier(Chăm Bà-la-môn) và Cam Awal (Chăm Bàni), dung hóa hai tôn giáo vốn kình địch, để tạo nên sự dung hợp đẹp nhất trong lịch sử dân tộc Chăm.
Mưwdơn gru người chủ lễ điều hành mọi cuộc lễ Rija đồng thời là một nghệ sĩ toàn diện: hát, múa và chơi thuần thục đủ các loại nhạc cụ dân tộc từ trống ginơng, baraưng cho đến kèn xaranai.
Ông Hán Phải người Caklaing Mĩ Nghiệp, làng Chăm được xem là cổ nhất có mặt trên ngàn năm. Cũng là làng dệt thổ cẩm truyền thống danh giá. Truyền nhân của Mưwdơn Jiaw nổi tiếng tài hoa cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Ông người làng Hamu Tanran Hữu Đức, làng đông dân nhất Chăm và là nơi từng sản sinh nhiều anh tài: học giả Thiên Sanh Cảnh, Lưu Quý Tân, ca sĩ Chế Linh,… Sinh thời, ông “lang thang” qua các làng Chăm, vỗ trống baranưng và hát thơ. Có đến hàng chục ariya trường ca chép lưu truyền trong cộng đồng Chăm ở đó ông được cho là tác giả.
Thuở trai trẻ, tôi từng nghe kể về kẻ hát rong ấy ở khắp các plây Chăm. Trong các ngày lễ rija praung, có khi kéo dài cả tuần, công việc đồng áng và cơm nước xong, chạng vạng tối, ông (không quên dẫn theo vài ba môn đệ) đi xuống Caklaing quê tôi. Nơi đó, hàng trăm người nghe từ các nơi đổ tới chờ ông pwơc jal (một thể loại hát dân gian Chăm). Đây là một sinh hoạt giúp vui ngoài lề cuộc lễ. Chỉ cần trống baranưng với chiếc chiếu trải giữa sân, thế là ông hát vanh vách về cuộc đời và tâm sự của người trong cuộc đang ở trước mặt, với buồn vui quá khứ tương lai. Ông làm cho họ cười, khóc hay lịm người thin thít. Tài xuất khẩu thành thơ, kiến thức về xã hội cộng thêm giọng trầm vang của ông, đã lôi cuốn quý ông quý bà nhà quê quên cả mệt nhọc, để ngồi với ông đến tận gà gáy sáng.
Tài hoa là thế, nhưng sau khi ông mất dễ đến mươi năm, lúc tôi tìm đến nhà ông, gia đình đã chẳng còn lưu lại gì của cha ông cả! Ông là người chơi, hết mình, rồi thôi. Nhà thơ muốn giấu mặt đi để riêng thơ có mặt. Tuyệt tác văn chương là linh khí trời đất kết tủa, – người Chăm nghĩ thế, nên hầu như toàn bộ nền văn chương này thiếu bóng tác giả.
Mưwdơn gru Hán Phải hưởng gien di truyền này, chắc chắn thế.
Tôi trở thành kẻ hâm mộ ông khi lần đầu nhìn và nghe tiếng trống baranưng của ông. Bằng thao tác vỗ nhẹ, thanh thoát, tiếng trống đều nhịp trầm bổng phát ra trong và ấm như tiếng hát tụng ca damnưy của ông đang hòa nhịp. Mắt ông nhìn vào khoảng xa xôi, gầy và buồn. Tiếng hát các bản damnưy và tiếng trống baranưng trong các lễ Rija có mặt đầy khiêm khung, trước cái hùng hồn và vang vọng của trống ginơng bên cạnh kèn xaranai. Nhưng với tôi, riêng sự có mặt của ông cũng đủ làm đầy tràn khoảng trống của cuộc lễ, đưa con người tiếp cận cõi linh thánh huyền nhiệm.
Năm 11 tuổi, khi tôi rời làng xuống thị xã Phan Rang học Trung học, rồi ba mươi năm sau đó làm những cuộc lang thang vô định vào cõi người và cõi đời, tôi gần như quên mất ông. Mãi khi trở lại Caklaing sống đời nông dân, tôi mới tiếp cận ông trở lại. Năm đó, ông cũng đã qua tuổi cổ lai hi rồi.
Tôi đạp xe qua rẫy ông cách làng đủ hai điếu thuốc. Vẫn đôi mắt gầy, nụ cười buồn đó đón tôi. Cảm giác giấy phút đầu tiên của tôi: một Mưdwơn gru của một dòng họ lớn là thế, một nghệ sĩ siêu đẳng là thế mà vẫn cứ đạm bạc, đạm bạc đến khắc khổ. Hai chú cháu dắt xe cuốc bộ theo con đường mòn vào làng, ngang qua mấy hàng xương rồng phủ bụi gượng nở hoa. Tôi liên tưởng đời ông hệt loài xương rồng ấy.
Hỏi ông về các bản damnưy ông hát trong các dịp lễ, ông nói ông chẳng có gì cả. Không còn lưu mảnh văn bản nào cả! Lại là một đặc tính Chăm. Sống và không muốn để lại dấu vết trên trần gian này.
- Cần gì phải ghi ra, nó ở cả trong đây rồi.
Vậy thôi, ông nói – ngón tay trỏ chỉ vào bên trái ngực mình. Tôi đã phải nhờ ông đọc để thu âm. Có vẻ ông không hứng thú lắm, nên làm rất miễn cưỡng và, lắm lúc quên bài. Tôi hiểu ra: damnưy phải được sống trong không gian lễ hội. Nghệ sĩ hát và sáng tạo chúng trong chính không khí lễ ấy, biến hóa đầy hứng khởi. Tụng ca là một thể loại văn học dân gian đặc kì Chăm. Dù các bài hát này được chép thành văn bản, nhưng nó luôn được sáng tạo lại bởi các Mưdwơn khác nhau; thậm chí chính Mưdwơn đó, nhưng trong thời điểm khác nhau lại hát khác nhau. Từ đó sinh ra vô số dị bản, vô cùng độc đáo.
- Đợi chú xíu, – ông nói, và đi vào nhà trong mang ra baranưng.
- Này nhé!… Thế là ông hát, theo nhịp trống baranưng vỗ.
Mưyaum Ppo Ong biak jak
Sa bbaik jagak nau tok ginrơh
Mưyaum Ppo Ong biak ghơh
Nau tok ginrơh di cơk Aih Mrak
Urang nau lisei ba hwak
Ong dơk dahlak nhjuk dom pakau
Urang nhjuk pakau đing pariak
Ong dơk dahlak nhjuk đing alaiy
Khen Pô Ông khôn thật
Một cây chà gạc Ngài đi luyện công
Khen Pô Ông khéo thật
Ngài đi luyện công vùng núi hiểm
Người đi cơm nước mang theo
Pô tôi chỉ mang túi thuốc
Ống điếu người đời mạ bạc
Pô tôi chỉ hút ống tranh
…Mưng kal Kalaung jwa lo
Urak ni hu Ppo Harim Mưh di cơk
Mưng Kal Kalaung jwa rei
Urak ni hu palei Harim Mưh di cơk
Ngày xưa núi Kalong vắng lạnh
Hôm nay núi có Pô Harim
Ngày xưa đất Kalong hiu quạnh
Hôm nay đất có xóm thôn…
Biết rằng các bài tụng ca này được sáng tác để ca ngợi công đức các vị vua, các vị anh hùng liệt nữ, để hát trong lễ dân gian, nên chúng không tồn tại dưới dạng văn học thuần túy mà kết hợp hữu cơ với các nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc. Trong khi Ong Kadhar vừa hát vừa kéo đàn kanhi thì Ong Mưdwơn hát cácdamnưy theo nhịp trống baranưng (có đệm thêm trống ginơng và kèn xaranai) theo điệu múa của Muk Rijahay Ong Ka-ing trước tập thể khán thính giả xung quanh. Cho nên, nếu Danak Ru Anưk có âm hưởng trầm buồn như nhiều điệu ru khác thì sang Danak Pah Klap, tiết tấu bài hát lại đổi khác đi: nó sôi động hẳn lên. Và nếu âm điệu trong Damnưy Bia Apakar buồn da diết như cuộc sống tha hương cơ cực của nàng thì ở Damnưy Xah Bin Bingu, tiết tấu của ca khúc lại vang lên một cách dồn dập, bay bổng đánh nhịp cùng với tính cách và hành vi ngang tàng bay bướm của nhân vật. Ở bài tụng ca, hình thức ấy chính là nội dung ấy.
Và vì thơ được kết hợp nhuần nhị với nhạc, nên nhịp thơ cũng bị cuốn lôi bởi điệu nhạc. Ở đây, các điệp đoạn được vận dụng một cách triệt để như để tăng cường giá trị biểu cảm của í thơ. Ở Cei Xah Bin Bingu làCei nau mư-in (chàng đi chơi), hak cei takrư (chàng khoái trí)… biểu thị cho cái lãng mạn của kẻ phiêu bạt giang hồ; ở Bia Apakar là nau sa drei (đi một mình) nau nai hia (vừa đi vừa khóc)… nói lên nỗi cô đơn khắc khoải của một thiếu phụ đang chịu đựng sự đau khổ cùng cực; còn nơi Ppo Tang Ahauk là mối quan hệ khắng khít của với biển cả.
Ca ngợi công đức các vị vua chúa đã được thần hóa, nhưng ở mọi damnưy, tâm lí và cách hành xử các các “nhận vật” rất gần gũi với đời sống thực của nông dân lao động Chăm bình thường trong sinh hoạt thường nhật. Tâm lí mặc cảm bị bỏ rơi của Cei Xit, nỗi buồn mất chồng của Nai Tangya, tương tư để tìm đến chung rượu của Hanim Pơr được diễn tả bằng nghệ thuật thơ của một bậc thầy:
Hajan hơc hư jwai mưnhi
Dalam thun ni ai krưh mưyut
Hajan hơc hư jwai taduw
Bilan biruw ai krưh mưyut
Mưa ơi mi đừng rơi
Đầu năm nay anh đang yêu khổ
Mưa ơi mi đừng đổ
Vào tháng mới anh đang yêu đau.
Chính nghệ thuật biểu cảm này, bằng những điệp đoạn được vận dụng một cách thích hợp, cộng với hình ảnh giản dị và lời lẽ dân dã mộc mạc mà các bài tụng ca Chăm mãi mãi gây được một cảm kích đặc biệt đối với quần chúng.
Cho nên, người ta sẽ không ngạc nhiên khi các lễ Rija (mặc dù tính chất tôn giáo của nó) luôn luôn tập hợp được đông đảo khán thính giả thuộc nhiều tầng lớp xã hội Chăm đến thưởng thức. Damnưy này đã giúp người Chăm phần nào biết được giai thoại về các Ppo, Bia, Cei của mình. Qua bài hát, họ cảm thấy các Thần gần gũi với mình biết bao, gần gũi từ lối sống, lối nghĩ, lối nói… Vì các thần thực ra chỉ là những con người như họ, nhưng có nhân cách, sự nghiệp lớn hơn, được họ thần thánh hóa để trở lại bảo vệ cho cuộc sống tâm linh của chính họ.
Tôi nghĩ trong cuồn cuộn dòng đời tất bật hôm nay, Mưwdơn gru Hán Phải chính là con người cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần damnưy ngay trong cuộc sống ngày thường: khiêm cung, đạm bạc nhưng đầy sáng tạo.
Tôi nói lời từ biệt ông trong trời chiều đang nhá nhem tối.
Inrasara
Sài Gòn, 4-12-2009.
Bài đã đăng ở báo Dân tộc và Phát triển, 15-3-2010.

No comments:

Post a Comment