Tuesday, May 8, 2012

Bản ngã


Khoa học nhận thức (cognitive science) cũng như khoa học thần kinh cũng thao thức đi tìm cái ngã, đi tìm consciousness. Câu hỏi trong khoa thần kinh não bộ là, các tế bào óc, các tế bào thần kinh hoạt động như thế nào mà sản xuất ra được tâm thức, ý thức? Người ta coi tâm thức như là một sản phẩm của hệ thần kinh, của não bộ. 
Người ta dùng những kỹ thuật gọi là hình ảnh (imaging) để dò coi những phần nào ở não bộ làm phát sinh ra những tâm hành nào, những phần nào của não bộ đóng vai trò nào trong nhận thức. Đi tìm một hồi thì người ta không thấy có phần nào là chủ thể, là đại bản doanh (headquarter) có thể gọi là trung tâm điều khiển. Khoa học thần kinh não bộ đã bắt đầu thấy các tế bào trong não bộ làm việc chung với nhau, liên hệ với nhau, đồng bộ (synchronize) với nhau và làm phát hiện ra những tâm hành (mental formations): vui, buồn, sợ, ghét, lo lắng, sầu khổ. Nhưng đi tìm một ông chủ, một cái ngã thì khoa học không tìm ra được. Khoa học nói rằng, các tế bào thần kinh não bộ giống như một dàn nhạc (orchestra) mà không cần phải có một vị nhạc trưởng cầm đôi đũa để điều khiển. Bây giờ các nhà khoa học thấy, đi tìm một cái ngã trong cơ thể là một chuyện không thể nào làm được.Tuy nhiên cái cảm giác là có một cái ngã rất rõ trong mỗi người.
Chúng ta đã từng lấy ví dụ những con ong trong một bầy ong. Một tổ ong được làm bằng những con ong cá nhân, mỗi con ong có ruột, có chân, có cánh riêng. Ấy vậy mà khi hành động thì tất cả con ong hành động như một cơ thể. Chúng ta có cảm tưởng như là có một trung tâm chỉ huy các con ong. Nó làm rất hay!
Cũng như khi ta thấy một đàn cá mấy ngàn con đang bơi lội dưới biển. Đàn cá bơi lội như có một sự điều khiển, trong khi đó toàn là những con cá cá nhân. Nó đang bơi về một hướng, vậy mà khi xoay trở lại một cái thì tất cả đều xoay đồng bộ mà không có con nào đụng vào con nào, giống như có một lực lượng nào, một cái ngã nào điều khiển vậy. Cảm tưởng đó rất là rõ rệt khi chúng ta thấy đàn cá bơi lội.
Những tế bào trong cơ thể của ta cũng vậy. Nó làm việc chung với nhau để làm phát hiện ra những cái như hơi thở có ý thức. Hơi thở có ý thức trở lại nhận diện, ôm ấp, nâng niu những tế bào đó. Các tế bào trong cơ thể của mình làm việc đồng bộ giống như một dàn nhạc mà không cần có một nhạc trưởng. Các nhà khoa học bắt đầu thấy được tính vô ngã của cơ thể, của não bộ, của vạn vật.
Mười giáo của tông Hoa Nghiêm, Thích Nhất Hạnh

No comments:

Post a Comment